Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Mạch sống Đại thủy nông Nậm Rốm

09:47 - Thứ Hai, 06/05/2024 Lượt xem: 2107 In bài viết

ĐBP - Sau chiến thắng lịch sử năm 1954, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn, hàng nghìn thanh niên xung phong các tỉnh miền xuôi tình nguyện lên Điện Biên để xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm dẫn nước tưới cho thung lũng Mường Thanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, sau 55 đưa vào khai thác, công trình vẫn giữ vai trò chủ lực điều tiết nước cho cánh đồng Mường Thanh để tạo ra những “hạt ngọc” thơm ngon nức tiếng, thương hiệu gạo Điện Biên đã được khẳng định trên khắp mọi miền đất nước.

Cựu TNXP Đỗ Vũ Xô và Trần Công Chính thăm lại đập tràn bê tông chắn nước ở đầu nguồn.

Khúc tráng ca tuổi trẻ

Tháng 10/1963, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công. Để có nhân lực xây dựng công trình, Trung ương Đoàn kêu gọi và huy động lực lượng thanh niên các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội lên đường, góp sức trẻ dựng xây cuộc sống mới. Hơn 2.000 thanh niên xung phong, gồm hơn 800 đội viên thanh niên “Tháng Tám Thủ đô” và thanh niên các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa... đã “chân đất, tay thô, xẻ dọc núi đồi” xung phong lên Điện Biên. Với sứ mệnh cao cả hoàn thành công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất có thể để dẫn nước về cánh đồng Mường Thanh, sản xuất nông nghiệp cho Điện Biên thoát tình trạng thiếu đói.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên, chàng trai Đỗ Vũ Xô ở huyện Thanh Trì, Hà Nội lúc đó mới tròn 20 tuổi đã cùng 300 đội viên người Hà Nội tình nguyện lên Điện Biên. Hơn 60 năm đã qua đi, hiện đang ở tuổi xưa nay hiếm song ông Đỗ Vũ Xô vẫn nhớ như in không khí thời điểm cuối năm 1963.
“Hồi đó, thanh niên hăng hái lắm. Dù biết trước lên Điện Biên là khó khăn, vất vả nhưng ai cũng hừng hực khí thế, đăng ký tình nguyện đi Điện Biên chung sức xây dựng Đại thủy nông Nậm Rốm!” - ông Đỗ Vũ Xô nhớ lại.

Khối lượng công việc lớn trong khi làm việc tất cả chỉ thủ công. “Trong cái khó, ló cái khôn”, thanh niên xung phong đã nảy ra sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động, như: Làm cán xẻng cong khoằm để cào đất vào sọt nhanh hơn; dùng cẩu bằng cây tre dài để di chuyển đất đá từ vị trí cách nhau 10m mà không phải gánh bộ; dùng ròng rọc để vận chuyển đất từ đỉnh đồi xuống thấp cho năng suất vượt tới 300%; đóng máng gỗ để tuồn đất, đá, bêtông vào vị trí xây dựng...

Đại thủy nông Nậm Rốm – Công trình của sức trẻ, nhiệt huyết của lực lượng TNXP.

Gần 7 năm ròng rã, đến năm 1969, Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành. Công trình xây dựng theo kiểu đập tràn tự do, tưới tiêu theo hình thức tự chảy, gồm nhiều hạng mục: Đập tràn bằng đá hộc và bê tông cao 17m, dài 127m ngang sông Nậm Rốm; hệ thống tường chắn bằng bê tông cốt thép, hệ thống cống lấy nước, cống xả cát, bùn và hơn 34km kênh tả - hữu dẫn nước ôm trọn cánh đồng Mường Thanh. Kỳ vĩ nhất là đập đầu mối công trình có thủy lực tràn, xây bằng đá hộc bê tông dài 60m, cao hơn 9m nằm ở cửa ngõ Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Công trình là kết tinh của sức trẻ, lòng nhiệt huyết, quyết tâm, tinh thần quả cảm và hăng say lao động. Trong 7 năm xây dựng, đã có 18 thanh niên xung phong hi sinh, mãi mãi nằm lại Điện Biên.

Khởi nguồn vựa lúa Mường Trời

Theo ông Phạm Đức Hiển, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, khi chưa có hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm, nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng Mường Thanh chỉ nhờ vào nước mưa và nước từ các suối nhỏ. Thiếu nước sản xuất, người dân chỉ gieo cấy được khoảng trên 1.000ha lúa mùa; năng suất bấp bênh. Khi thủy nông Nậm Rốm đi vào hoạt động, với hai kênh tả - hữu dài hơn 30km đã cung cấp nước tưới rất hiệu quả.

Cánh đồng Mường Thanh được tưới mát bởi dòng nước Đại thủy nông Nậm Rốm.

Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, hệ thống kênh mương được bê tông hóa, kết hợp với việc xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác một số hồ chứa lớn trên địa bàn, diện tích tưới của Đại thủy nông Nậm Rốm được mở rộng, từ 2.400ha (năm 1984) lên tổng diện tích lúa 2 vụ hơn 7.000ha trải dài từ TP. Điện Biên Phủ đến huyện Điện Biên. Nông dân Điện Biên đã thâm canh được 3 vụ/năm (2 vụ lúa, 1 vụ màu), năng suất lúa trung bình 63 tạ/ha. Ngoài ra, công trình cũng cấp nước cho hơn 100ha ao, hồ nuôi thủy sản.

Công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới, giai đoạn 1986 - 2015, tỉnh Điện Biên tập trung mở rộng vùng sản xuất, biến mảnh đất chiến tranh hoang tàn trở thành vựa lúa 2 vụ lớn nhất Tây Bắc. Từ năm 2016 đến nay, khi diện tích đạt “đỉnh”, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cánh đồng Mường Thanh có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh thế mạnh về sản xuất lúa gạo, cánh đồng Mường Thanh được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Đây là một điểm đến mới thu hút nhiều facebooker, tiktoker nổi tiếng đến review, từ đó cánh đồng Mường Thanh cũng được nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ đến tham quan, check in. Tỉnh Điện Biên đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương xây dựng, phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp tại cánh đồng Mường Thanh.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top